50 Món quà vô giá dành cho con (Phần 1)

50 Món quà vô giá dành cho con (Phần 1)

50 Món quà vô giá dành cho con (Phần 1)

Ngày đăng: 22/10/2024 Lượt xem: 667

Biên soạn: Nguyễn Hữu Lộc

SGR - Khi sinh con ra, các bà mẹ luôn luôn mong muốn làm những điều tốt đẹp nhất có thể cho con. Sẽ trọn vẹn hơn khi luôn có bàn tay đóng góp của người cha. Nhưng nuông chiều con theo ý của chúng,… không phải là cách đúng đắn để giúp con sống tốt đẹp trong những thời khắc tương lai của chúng. Dù có kiếm thật nhiều tiền cho con cũng không bằng làm 50 việc này vì con. 

Bạn hãy đánh dấu vào những điều mà bạn còn chưa tập trung làm tốt cho con và lên kế hoạch để cùng con yêu của mình trải nghiệm nhé:

TT

Những điều cha mẹ cần làm

I

Cho con một thế giới bình yên

1

Cho con có không gian rộng lớn

Cho con hòa với thế giới của các nhà thiếu nhi, sân vận động, các đêm nhạc, học ngoại ngữ, cùng con đi từ thiện, đi các nơi trong nước và nếu có điều kiện thì cho con đi du lịch nước ngoài để ứng dụng một số vốn ngoại ngữ của con và khám phá cuộc sống xã hội một cách nhanh gọn nhất trong tour vài ngày,… Đừng nghĩ rằng chúng ta cần “không gian rộng lớn”, còn trẻ con thì không cần! Tồn tại vững mạnh trong “không gian rộng lớn” giúp con trẻ bản lĩnh, tự tin, có hoài bão,… Những đứa trẻ có “không gian rộng lớn” từ thuở thiếu thời thường thành công hơn.

2

Cho con có không gian riêng tư

Khi ta tôn trọng nhân cách của trẻ, trẻ sẽ học cách tôn trọng người khác. Không gian riêng tư của ta thì ta không cho ai xâm phạm, trẻ con cũng có suy nghĩ như vậy. Con cũng có những điều riêng tư muốn giữ riêng cho mình, muốn có không gian riêng để bay bổng, khám phá, sáng tạo theo kiểu của riêng con. Không phải ai cũng có sở thích giống nhau. Vậy nên cho trẻ có một không gian riêng tư vừa đủ để phát triển mạnh khỏe và vui vẻ.

Và … nếu con viết nhật ký? Con sẽ có khả năng tự mình biết giải quyết vấn đề, giải tỏa tâm lý, biết chọn từ ngữ hành văn và giỏi văn. Và …. đôi khi ta sẽ có lúc biết con thật sự nghĩ gì mà chưa nói với chúng ta. Cũng từng có nhiều chuyên gia khuyên rằng hãy dạy con viết nhật ký.

3

Dành thời gian ở bên con nhiều hơn

Mỗi ngày trên các trang báo, trang mạng xã hội đều có rất nhiều ví dụ về trẻ không nên người, vì cha mẹ mãi bận lo kiếm tiền hay vì lý do khác mà không ở bên con nhiều. Đến khi có chuyện thì đổ lỗi nhau và có những tình huống không cứu vãn được, như trẻ rơi vào tự kỷ, trầm cảm, nhiễm các thói xấu,…

4

Tạo không khí gia đình hòa hợp

Gia đình không hòa hợp để lại trong tâm trí trẻ nhiều tổn thương, mất năng lượng, căng thẳng, và do đó học hành sa sút. Chỉ trong gia đình nhỏ mà cha mẹ còn cãi nhau, bất đồng ý kiến với nhau thì làm sao con tin rằng thế giới rộng lớn bên ngoài an toàn và tốt đẹp? Không khí gia đình hòa hợp khiến con cảm thấy hạnh phúc và được chào đón, không là nguyên nhân của những trận cãi nhau của cha mẹ. Bản thân chúng ta cũng mong muốn được sống vui vẻ, con chúng ta cũng vậy thôi. Đừng bao giờ cãi nhau trước mặt trẻ con, và hãy làm gương cho con trong việc có thể trầm tĩnh giải quyết các vấn đề.

5

Trò chuyện bình đẳng với con trẻ

Đặt mình vào vị thế của trẻ mới hiểu đầy đủ tâm lý trẻ. Những đứa trẻ dễ dàng trò chuyện với bạn cùng trang lứa vì chúng “cùng tần số” dễ hiểu nhau, biết thông cảm cho nhau, và cũng dễ trò chuyện với giáo viên chủ nhiệm vì thầy cô hiểu tâm lý trẻ con. Chỉ bằng cách trò chuyện bình đẳng, đúng tông của con trẻ mới dễ gợi cho trẻ hứng thú trò chuyện, trao đổi cùng chúng ta.

6

Dũng cảm nhận lỗi với con

Ta thường dạy con phải biết xin lỗi khi có lỗi. Vậy thì chúng ta không thể đứng ngoài vòng quy luật đó, khi có lỗi, ta cũng phải biết xin lỗi con. Điều này cho con thấy rằng con được tôn trọng và được đối xử bình đẳng. Nếu bạn thấy khó mở lời thì hãy viết cho con vài chữ xin lỗi, yêu thương trên giấy, hoặc gửi qua tin nhắn điện thoại cho con. Con sẽ vui mừng và bất ngờ về sự “dũng cảm” của bạn và con càng nghe lời bạn trong vấn đề làm lỗi phải biết xin lỗi, biết sửa lỗi, vì bạn là tấm gương tốt cho con.

7

Thường xuyên lắng nghe con tâm sự

Là người lớn chúng ta có nhiều áp lực và có thể chúng ta có khả năng chịu đựng được áp lực. Đừng nghĩ rằng trẻ con không có áp lực, chúng cũng phải đối diện với những rầy la, khen chê, so sánh, quá tải học hành, bị bắt nạt học đường, bị rủ rê lôi kéo vô những thói xấu. Chỉ bằng cách lắng nghe con trẻ, chúng ta có thể để cho con giải tỏa kềm nén cảm xúc, biết thể hiện sẻ chia quan điểm, ý kiến, và chúng ta có thể hiểu lập trường của con, uốn nắn con khi con sai lệch và làm tròn trách nhiệm “dạy con từ thưở còn thơ”.

8

Để trẻ ăn sáng tại nhà

Buổi ăn sáng ngoài không gian gia đình không đầy đủ chất, đủ năng lượng cho con sau một đêm dạ dày trống rỗng và trước mắt là các bài học bài tập cần động não giải quyết. Cho nên bữa ăn sáng tại nhà là lý tưởng cho sự phát triển lâu dài của trẻ và là cơ hội để gia đình trao đổi sự quan tâm, yêu thương nhau. Hơn nữa, bạn sẽ yên tâm là con không nhịn ăn sáng mà bí mật dành tiền để mua đồ chơi, chơi game,…

9

Đối xử tốt với bạn bè của con

Kinh nghiệm cho ta thấy rằng tình cảm bạn bè, nhất là bạn thời còn đi học vô cùng quý giá vì nó trong sáng, hồn nhiên, rất đẹp, có bạn thì không biết thế nào là cô đơn. Dạy con biết chọn bạn tốt mà chơi, tránh những bạn không chân thành, có thói quen xấu. Biết quan tâm, coi trọng bạn bè con cũng là cách rèn cho trẻ biết sống đoàn kết, yêu thương.

Những đứa trẻ sẽ rất phật lòng nếu bạn đối xử không tốt với bạn bè chúng, cấm bạn bè con tới nhà. Bạn không muốn bậc cha mẹ khác đối xử lạnh lùng với con bạn phải không nào? Thế thì bạn hãy nồng ấm với bạn bè con, điều đó làm cho con thấy tự hào, có uy tín, và dễ dàng nghe lời bạn.

10

Thường xuyên trao đổi với thầy cô của con

Việc phát minh ra Internet và các ứng dụng trao đổi thông tin qua điện thoại đã mở ra vô vàn cơ hội cho thầy cô và cha mẹ trẻ trao đổi với nhau, và điều này được ngành giáo dục khuyến khích, thậm chí là nghĩa vụ của nhà giáo là phải tương tác phản hồi ơhuj huynh học sinh. Còn chần chờ gì mà không trao đổi với thầy cô của cô để ngoài bạn, con chúng ta còn có những bậc đáng kính yêu quý và quan tâm dạy dỗ con.

II

Rèn cho con có thói quen tốt

11

Biết tự nhìn nhận lại mình

 

“Thất bại là mẹ thành công”. Hãy dạy con có thói quen rút kinh nghiệm từ những lần thất bại của chính mình và của những người đi trước, những quan sát xung quanh. Cha mẹ nên giúp con tìm ra khuyết điểm của mình và chỉ dẫn con cách xét lại bản thân, có thế trẻ mới kịp thời khắc phục sai lầm và mới không ngừng tiến bộ. Tránh ngụy biện, lừa dối và đổ lỗi cho người khác. Tập cho con phải có trách nhiệm khi gây ra lầm lỗi và biết cách khắc phục sửa lỗi.

12

Biết làm việc có kế hoạch

 

Dạy con làm việc theo kế hoạch ngày, kế hoạch tuần, biết làm việc gì trước, việc gì sau, không để dồn quá nhiều việc lại, “việc hôm nay chớ để ngày mai”. Làm việc có kế hoạch mới có thể ung dung thong thả. Đó là nền tảng để sau này con biết hoạch định cho cuộc sống tương lai. Cùng con xây dựng kế hoạch, học hỏi những người làm việc có tổ chức, và bản thân cha mẹ phải làm gương trong việc xây dựng kế hoạch.

13

Biết quản lý quỹ thời gian

 

Một ngày chỉ có 24 giờ, thời gian không biết thiên vị ai. Đại thi hào Đức - Geothe đã từng nói: “Những người biết tận dụng thời gian sẽ luôn luôn thoải mái về thời gian”. Trẻ biết trân trọng thời gian, phân bổ thời gian hợp lý thì cũng đều đạt được hiệu quả cao nhất trong học tập hay những việc nhỏ nhặt khác.

14

Biết chuyên tâm làm việc

 

Chuyên tâm là một trong những nhân tố quyết định sự thành công. Trẻ cần học tập trung vào mục tiêu, không phân tán tư tưởng, kiên trì đạt mục tiêu. Cha mẹ nên rèn luyện tính tập trung cho con theo tuần tự tăng dần, không chọn loại hình quá dễ hay quá khó sức của trẻ.

15

Biết khen chân thành

16

Tính chăm chỉ, cần cù

17

Ý thức tiết kiệm

 

3 mục 15 + 16 +17 hiện có trong môn học “Đạo đức” cấp PTCS của trẻ. Cha mẹ nên dạy con từ sớm qua những điều thấy được, gần gũi trong ngày thì trẻ rất nhanh chóng tiếp thu.

Vui lòng xem tiếp phần 2 trong kỳ sau. Chân thành cảm ơn bạn đã đọc bài viết.